Sách - Người Đại Diện Của Đương Sự Trong Pháp Luật Tố Tụng Dân Sự Việt Nam
Tác giả: TS. Bùi Thị Hà
Nhà xuất bản: Tư Pháp
Khổ sách: 14.5 x 20.5 cm
Năm phát hành: 2023
Công ty phát hành: NXB Tư Pháp
Giá bìa: 140.000 đ
Số trang: 249 trang
Hình thức bìa: Bìa mềm
Người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự là người tham gia tố tụng nhân danh đương sự, thay mặt đương sự thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng của họ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự trước Tòa án. Người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Các quy định pháp luật về người đại diện của đương sự ngày càng hoàn thiện cùng với quá trình phát triển của pháp luật Việt Nam từ các Pháp lệnh tới Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Mặc dù vậy, trong quá trình triển khai, thực hiện, quy định pháp luật về người đại diện của đương sự còn tồn tại một số vướng mắc, hạn chế.
Xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn và đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản cuốn “Người đại diện của đương sự trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam” do TS. Bùi Thị Hà - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ, Học viện Tư pháp làm chủ biên.
Nội dung cuốn sách làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận về người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự; đánh giá toàn diện thực trạng quy định pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam về người đại diện của đương sự và thực tiễn thực hiện pháp luật từ ngày 01/7/2016 đến nay; chỉ ra hạn chế, bất cập trong các quy định của pháp luật tố tụng dân sự và tồn tại, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện pháp luật về người đại diện của đương sự, từ đó đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự.
Trong phạm vi cuốn sách này, tố tụng dân sự được các tác giả tập trung nghiên cứu dưới góc độ là quá trình giải quyết tranh chấp, yêu cầu dân sự tại Tòa án. Quá trình này bắt đầu từ khi Tòa án tiếp nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức và kết thúc khi Tòa án giải quyết xong vụ việc (khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực thi hành và không bị kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm hay kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm). Nhà xuất bản Tư pháp giữ nguyên một số quan điểm của các tác giả có thể còn ý kiến đa chiều để bạn đọc tham khảo.